Gừng là một loài thực vật có hoa có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Đây là một trong những loại gia vị lành mạnh nhất và ngon nhất trên hành tinh. Nó thuộc họ Zingiberaceae, có quan hệ họ hàng gần với nghệ, bạch đậu khấu và riềng. Phần rễ gừng hay củ gừng là bộ phận thường được dùng làm gia vị. Gừng có thể được sử dụng tươi, khô, bột, hoặc nước ép,... Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi ăn gừng tốt cho sức khỏe không.

1. Gừng chứa gingerol, có đặc tính y học mạnh mẽ

Gừng có một lịch sử rất lâu đời, được sử dụng sớm ngay cả trong các bài thuốc y học cổ truyền. Nó được sử dụng để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.

Hương thơm và hương vị độc đáo của gừng đến từ các loại tinh dầu tự nhiên của nó, trong đó quan trọng nhất là gingerol. Gingerol là hợp chất có hoạt tính sinh học chính trong gừng. Nó chịu trách nhiệm cho phần lớn các đặc tính y học của gừng. Theo nghiên cứu, gingerol có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Ví dụ, nó có thể giúp giảm stress oxy hóa, từ đó giảm lượng gốc tự do dư thừa trong cơ thể.

2. Gừng có thể điều trị nhiều dạng buồn nôn, đặc biệt là nôn nghén thai kỳ

Gừng dường như có hiệu quả cao trong việc chống buồn nôn. Nó có thể giúp giảm buồn nôn và nôn cho những người vừa trải qua một số loại phẫu thuật. Gừng cũng có thể giúp giảm buồn nôn liên quan đến hóa trị, tuy nhiên cần có các nghiên cứu lớn hơn trên người.

Gừng có thể hiệu quả nhất đối với cảm giác buồn nôn liên quan đến thai nghén, hay còn gọi là nôn nghén thai kỳ. Theo đánh giá của 12 nghiên cứu bao gồm tổng số 1.278 phụ nữ mang thai, 1,1–1,5 gam gừng có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng buồn nôn. Tuy nhiên, đánh giá này kết luận rằng gừng không có tác dụng đối với các cơn nôn mửa thực sự. Mặc dù gừng được coi là thực phẩm an toàn, hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng một lượng lớn nếu bạn đang mang thai. Phụ nữ mang thai gần chuyển dạ hoặc bị sảy thai nên tránh dùng gừng. Gừng được chống chỉ định với tiền sử chảy máu âm đạo và rối loạn đông máu

Tóm lại, chỉ cần 1–1,5 gam gừng có thể giúp ngăn ngừa cảm giác buồn nôn với những nguyên nhân khác nhau, bao gồm buồn nôn liên quan đến hóa trị, buồn nôn sau phẫu thuật và ốm nghén.

3. Gừng có thể giúp giảm cân

Gừng có thể đóng một vai trò trong việc giảm cân, theo các nghiên cứu được thực hiện trên người và động vật. Một đánh giá tài liệu năm 2019 kết luận rằng việc bổ sung gừng làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, tỉ lệ eo-hông và tỷ lệ hông ở những người thừa cân hoặc béo phì.

Một nghiên cứu năm 2016 trên 80 phụ nữ bị béo phì cho thấy gừng cũng có thể giúp giảm chỉ số khối cơ thể(BMI) và mức insulin trong máu. Mức insulin trong máu cao có liên quan đến béo phì. Những người tham gia nghiên cứu đã nhận được liều tương đối cao hàng ngày khoảng 2 gam bột gừng trong 12 tuần.

Một đánh giá tài liệu về thực phẩm chức năng năm 2019 cũng kết luận rằng gừng có tác dụng rất tích cực đối với bệnh béo phì và giảm cân. Tuy nhiên, các nghiên cứu bổ sung vẫn cần được thực hiện.

Các bằng chứng ủng hộ vai trò của gừng trong việc giúp ngăn ngừa béo phì mạnh hơn trong các nghiên cứu trên động vật. Chuột được cho uống nước gừng hoặc chiết xuất gừng liên tục thấy trọng lượng cơ thể giảm xuống, ngay cả trong những trường hợp chúng cũng được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo. Khả năng ảnh hưởng đến tác dụng giảm cân của gừng có thể liên quan đến một số cơ chế nhất định, chẳng hạn như khả năng giúp tăng số lượng calo bị đốt cháy hoặc giảm viêm.

Tóm lại, theo các nghiên cứu trên động vật và con người, gừng có thể giúp cải thiện các số đo liên quan đến cân nặng như trọng lượng cơ thể và tỷ lệ eo-hông.

4. Gừng có thể hỗ trợ chữa bệnh viêm xương khớp

Viêm xương khớp là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Nó liên quan đến sự thoái hóa của các khớp trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như đau và cứng khớp. Một đánh giá tài liệu cho thấy những người sử dụng gừng để điều trị viêm khớp đã giảm đáng kể tình trạng đau và tàn tật. Chỉ quan sát thấy một số tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như không hài lòng với mùi vị của gừng. Tuy nhiên, mùi vị của gừng, cùng với chứng khó chịu ở dạ dày, vẫn khiến gần 22% số người ngừng tham gia nghiên cứu. Những người tham gia nghiên cứu nhận được từ 500 miligam (mg) đến 1 gam gừng mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 3 đến 12 tuần. Phần lớn trong số họ đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp gối.

Một nghiên cứu khác từ năm 2011 cho thấy rằng sự kết hợp của gừng, quế và dầu mè bôi tại chỗ có thể giúp giảm triệu chứng đau và độ cứng ở những người bị viêm khớp gối.

Tóm lại, hiện nay đã có một số nghiên cứu cho thấy gừng có tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.

5. Gừng có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu và cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch

Mặc dù lĩnh vực nghiên cứu này tương đối mới, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng gừng có thể có đặc tính chống bệnh đái tháo đường mạnh mẽ. Trong một nghiên cứu năm 2015 với 41 người tham gia mắc bệnh đái tháo đường loại 2, 2 gam bột gừng mỗi ngày làm giảm 12% lượng đường trong máu lúc đói. Nó cũng cải thiện đáng kể nồng độ hemoglobin A1c (HbA1c), một chất phản ánh lượng đường trong máu dài hạn. HbA1c đã giảm 10% trong thời gian 12 tuần. Cũng có sự giảm 28% tỷ lệ Apolipoprotein B / Apolipoprotein A-I và giảm 23% malondialdehyde (MDA), một sản phẩm phụ của phản ứng stress oxy hóa. Tỷ lệ ApoB / ApoA-I cao và mức MDA cao đều là những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ. Mặc dù kết quả vô cùng ấn tượng, nhưng chúng cần được xác nhận trong các nghiên cứu lớn hơn trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào.

Ngoài ra, một đánh giá tài liệu năm 2019 cũng kết luận rằng gừng làm giảm đáng kể HbA1c ở những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng gừng không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu lúc đói.

Tóm lại, gừng đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác nhau ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

 
6. Gừng có thể giúp điều trị chứng khó tiêu mãn tính

Chứng khó tiêu mãn tính được đặc trưng bởi cơn đau tái phát và khó chịu ở phần trên của bụng. Người ta tin rằng việc làm rỗng dạ dày chậm trễ là nguyên nhân chính dẫn đến chứng khó tiêu. Điều thú vị là gừng đã được chứng minh là có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày.

Những người bị chứng khó tiêu chức năng, chứng khó tiêu mà không rõ nguyên nhân, đã được cho uống viên gừng hoặc giả dược trong một nghiên cứu nhỏ năm 2011. Một giờ sau, tất cả đều được cho ăn súp. Những người uống gừng phải mất 12,3 phút để dạ dày trống rỗng. trong khi đó, những người dùng giả dược mất khoảng 16,1 phút.

Những tác dụng này cũng đã được quan sát thấy ở những người không bị chứng khó tiêu. Trong một nghiên cứu năm 2008 của một số thành viên trong cùng nhóm nghiên cứu, 24 người khỏe mạnh được cho uống viên gừng hoặc giả dược. Tất cả họ đã được cho súp một giờ sau đó. Khác với giả dược, việc tiêu thụ gừng giúp đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày một cách đáng kể. Mất khoảng 13,1 phút đối với người dùng gừng và 26,7 phút đối với người dùng giả dược.

Tóm lại, gừng dường như giúp đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, có thể có lợi cho những người bị chứng khó tiêu và khó chịu liên quan đến dạ dày.

7. Gừng có thể làm giảm đáng kể cơn đau kinh nguyệt

Đau bụng kinh là cảm giác đau trong chu kỳ kinh nguyệt. Một trong những công dụng truyền thống của gừng là giảm đau, bao gồm cả đau bụng kinh. Trong một nghiên cứu năm 2009, 150 phụ nữ được hướng dẫn dùng gừng hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong 3 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Ba nhóm nhận được bốn liều hàng ngày gồm bột gừng (250 mg), axit mefenamic (250 mg) hoặc ibuprofen (400 mg). Kết quả nghiên cứu cho thấy gừng có tác dụng giảm đau hiệu quả như hai loại thuốc NSAID. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng kết luận rằng gừng có hiệu quả hơn giả dược và hiệu quả tương đương với các loại thuốc như axit mefenamic và acetaminophen/caffeine/ibuprofen (Novafen). Mặc dù những phát hiện này đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần các nghiên cứu chất lượng cao hơn với số lượng người tham gia nghiên cứu lớn hơn

Tóm lại, gừng có tác dụng chống đau bụng kinh rất hiệu quả khi dùng vào đầu kỳ kinh.

8. Gừng có thể giúp giảm nồng độ cholesterol

Mức cholesterol LDL (hay còn gọi là cholesterol xấu) cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực phẩm bạn ăn có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức LDL trong máu.

Trong một nghiên cứu năm 2018 trên 60 người bị tăng lipid máu, 30 người nhận 5 gam bột gừng mỗi ngày đã thấy mức cholesterol LDL của họ giảm 17,4% trong khoảng thời gian 3 tháng. Mặc dù sự sụt giảm LDL là rất ấn tượng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những người tham gia nghiên cứu đã nhận được liều lượng gừng rất cao. Nhiều người cho rằng có mùi vị khó chịu trong miệng và đây cũng là lý do khiến họ ngừng tham gia nghiên cứu về bệnh viêm khớp khi họ nhận liều 500 mg – 1 gam gừng. Liều dùng trong nghiên cứu tăng lipid máu cao hơn 5–10 lần. Có khả năng là hầu hết mọi người có thể gặp khó khăn khi dùng 5 gram gừng đủ lâu để thấy kết quả.

Trong một nghiên cứu cũ hơn từ năm 2008, những người nhận 3 gam bột gừng (ở dạng viên nang) mỗi ngày cũng giảm đáng kể nồng độ cholesterol. Mức cholesterol LDL (xấu) của họ giảm 10% trong 45 ngày (29). Những phát hiện này được hỗ trợ bởi một nghiên cứu trên chuột bị suy giáp hoặc tiểu đường. Chiết xuất gừng làm giảm cholesterol LDL có hại ở mức độ tương tự như thuốc hạ cholesterol atorvastatin.

Các đối tượng nghiên cứu từ cả 3 nghiên cứu cũng bị giảm tổng lượng cholesterol. Những người tham gia vào nghiên cứu năm 2008, cũng như những con chuột thí nghiệm, cũng thấy lượng chất béo trung tính trong máu giảm.

TÓm lại có một số bằng chứng, ở cả người và động vật, cho thấy gừng có thể làm giảm đáng kể mức cholesterol LDL (có hại), cholesterol toàn phần và chất béo trung tính trong máu.

9. Gừng chứa một chất có thể giúp ngăn ngừa ung thư

Gừng đã được nghiên cứu như một phương thuốc thay thế trong một số loại bệnh ung thư. Các đặc tính chống ung thư là do một lượng lớn gingerol quyết định. Trong một nghiên cứu kéo dài 28 ngày trên những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng trung bình, 2 gam chiết xuất gừng mỗi ngày làm giảm đáng kể các phân tử tín hiệu gây viêm trong ruột già. Tuy nhiên, một nghiên cứu tiếp theo ở những người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng đã không cho kết quả tương tự.

Có một số bằng chứng, mặc dù còn hạn chế, cho thấy gừng có thể có hiệu quả chống lại các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác như ung thư tuyến tụy và ung thư gan. Nó có thể có hiệu quả chống lại ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nói chung, cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu thêm

10. Gừng có thể cải thiện chức năng não và bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer

Căng thẳng do oxy hóa và viêm mãn tính có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Chúng được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng các chất chống oxy hóa và các hợp chất có hoạt tính sinh học trong gừng có thể ức chế các phản ứng viêm xảy ra trong não.

Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy gừng có thể giúp tăng cường chức năng các tế bào não. Trong một nghiên cứu năm 2012 ở những phụ nữ trung niên khỏe mạnh, liều lượng chiết xuất gừng hàng ngày đã được chứng minh là cải thiện thời gian phản ứng và trí nhớ làm việc. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy gừng có thể giúp bảo vệ chống lại sự suy giảm chức năng não liên quan đến tuổi tác

11. Gừng có thể giúp chống lại nhiễm trùng

Gingerol trong gừng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Trên thực tế, chiết xuất gừng có thể ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn khác nhau.

Theo một nghiên cứu năm 2008, gingerol chống lại vi khuẩn đường miệng có liên quan đến viêm nướu và viêm nha chu một cách rất hiệu quả. Đây là cả hai bệnh viêm nướu răng phổ biến.

Gừng tươi cũng có thể có hiệu quả chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV), một nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp. Tóm lại gừng có thể giúp chống lại các loại vi khuẩn và vi rút có hại, có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tags:   

Mã an toàn*

CÔNG TY TNHH QUỐC TẾ TRÀ TIÊN THẢO